6 Biểu hiện của những ứng viên không bao giờ xin được việc
19.02.2019 1310 hongthuy95
Nếu “sở hữu” 1 trong 6 biểu hiện được Tuyencongnhan.vn liệt kê dưới đây, bạn chắc chắn sẽ rất khó, thậm chí không bao giờ xin được việc.
#1. Không tự tin về năng lực của bản thân
Không ít ứng viên tỏ ra quá kiêu ngạo vì sở hữu tấm bằng loại giỏi, có 5 năm kinh nghiệm làm quản lý, là du học sinh, Việt kiều về nước… nhưng cũng tồn tại khá nhiều ứng viên tỏ ra rụt rè, thiếu tự tin về năng lực của bản thân, nhất là sinh viên mới ra trường hay người xin việc trái ngành, chưa có kinh nghiệm. Không phải NTD nào cũng nhìn vào bằng cấp hay kinh nghiệm để chọn người; vì họ có thể đào tạo lại nếu cần nhưng thái độ sống và trách nhiệm trong công việc sẽ thuộc về bản năng. Chỉ khi bạn tự tin vào năng lực của mình, bạn mới tìm được những luận điểm, luận cứ chứng minh sự phù hợp của bạn cho vị trí ứng tuyển.
#2. Ít cập nhật thông tin trên CV xin việc
CV là hồ sơ tối thiểu cần có để ứng viên xin việc. Tuy nhiên, nhiều ứng viên, dù đã ra trường và đi làm được 1,2 năm nhưng vẫn dùng chung 1 CV cũ để đi ứng tuyển. Việc không cập nhật những thông tin mới nhất về bản thân như địa chỉ liên hệ, số điện thoại, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng… là điểm trừ không nhỏ khiến CV của bạn không những nghèo nàn mà còn không thể hiện đúng con người và khả năng của bạn, làm mất cơ hội ứng tuyển thành công.
#3. Ngại đề cập đến mức lương và chế độ đãi ngộ
NTD thường hỏi “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?” hay “Mức lương mong muốn của bạn là bao nhiêu?” và chờ đợi câu trả lời từ ứng viên để đánh giá sự phù hợp cho vị trí ứng tuyển. Không ít ứng viên trả lời “Không!” vì nghĩ rằng mức lương đó là phù hợp hoặc ngại, sợ không dám trình bày nguyện vọng tăng lương vì cho rằng nếu nói như thế, NTD sẽ đánh giá bạn tự đánh giá cao năng lực của bản thân. Sai! Khi đưa ra bất kì câu hỏi nào, NTD cũng có dụng ý của mình. Với mức lương, điều kiện làm việc hay chế độ, lợi ích càng cần phải quan tâm, đàm phán. Nếu bạn có năng lực và có tiềm năng, NTD sẽ xem xét mức deal lương của bạn và sẵn sàng đáp ứng nếu phù hợp.
#4. Không làm công việc trái ngành
Bạn có thể rớt phỏng vấn ở vị trí A nhưng NTD đề nghị bạn vào làm ở vị trí B vì thấy bạn phù hợp. Và bạn từ chối vì cho rằng nó không phải là chuyên môn. Điều này đúng nhưng nếu bạn thực sự mong muốn được làm việc tại công ty này, hãy đồng ý và yêu cầu được có thời gian thử việc ở vị trí mới để học hỏi kinh nghiệm và biết đâu, khi có tin tuyển dụng, bạn là người đầu tiên biết và chớp lấy cơ hội.
#5. Thụ động chờ liên hệ từ NTD
NTD sẽ nói rằng họ sẽ thông báo kết quả của bạn trong khoảng 3 ngày, 1 tuần hay 10 ngày tới và bạn cứ thế ngồi ở nhà và đợi. Đừng bao giờ như thế! Hãy cứ chủ động liên hệ với NTD và tìm hiểu kết quả nếu bạn thực sự quan tâm đến vị trí này.
#6. Không tìm hiểu nguyên nhân và rút ra bài học khi thất bại
Bạn phải như thế nào thì mới không thuyết phục được NTD chọn bạn. Hãy tìm hiểu nguyên nhân do đâu (năng lực, thái độ hay hành vi…) và tìm cách khắc phục điều đó để thành công ở lần phỏng vấn sau. Đừng cứ mãi đổ lỗi cho số phận, rằng mình xui xẻo gặp NTD khó, chỉ ứng tuyển cho vui hay trượt chỗ này thì tìm chỗ khác phỏng vấn… Bạn sẽ chẳng bao giờ xin việc thành công nếu không tìm ra cái hạn chế của mình và khắc phục nó.
Đó sẽ là những rào cản rất lớn ngăn bạn đến gần hơn với công việc mình ao ước. Hạn chế và khắc phục những biểu hiện trên là cách duy nhất để bạn nhanh chóng tìm cho mình một công việc xứng đáng và phù hợp.
Ms. Công nhân