90% công nhân may mặc có nguy cơ thất nghiệp vì robot
04.11.2016 2953 bientap
Một chiếc robot có khả năng may hoàn chỉnh một chiếc áo phông đã tạo ra một bước đột phá mới cho ngành may mặc. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến khả năng thất nghiệp rất lớn đối với công nhân ngành may mặc tại Việt Nam.
Lấy ý tưởng từ ngành công nghiệp in 3D, anh Jonathan Zornow đã tạo ra một bước đột phá mới với robot công nghiệp có thể may hoàn chỉnh một chiếc áo phông. Bằng cách xử lý vải may qua vật liệu chuyên dụng, vải may sẽ cứng lại như một tấm kim loại, robot có thể dễ dàng may được một chiếc áo phông. Sau khi may xong, giũ áo qua nước nóng thì vải may sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Khi đưa vào sử dụng, tốc độ nhanh hơn và chính xác hơn của robot bù vào phần chi phí phải đầu tư ban đầu và về lâu dài sẽ đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Năm 2012, công ty Softwear Automation (Mỹ) đã cho ra đời một chiếc máy khâu điều khiển bằng máy tính. Chiếc máy này ra đời đã tiết kiệm được một lượng lớn nhân công cho công đoạn khâu. Công ty này đã chế tạo được một robot có thể may được quần bò jeans từ một vải được làm cứng. Nhưng robot này vẫn chưa được tự động hóa trong toàn quy trình sản xuất.
Máy khâu điều khiển bằng máy tính
Những cỗ máy như thế khi được đưa vào sử dụng đại trà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng triệu lao động may mặc châu Á, trong đó có Việt Nam. Một báo cáo mới nhất của tổ chức Lao động quốc tế ILO vào tháng 6/2016 đã dự báo rằng 90% công nhân ngành may mặc và da giày ở Việt Nam đang có nguy cơ thất nghiệp khi những dây chuyền lắp ráp tự động, những con robot được đưa vào sử dụng.
Hiện tại ngành may mặc Việt Nam có khoảng 2,5 triệu lao động. Trong tương lai gần, việc tự động hóa sản xuất sẽ khiến 2 triệu lao động bị mất việc. Cùng với đó, khi không còn phụ thuộc nhiều vào nhân công giá rẻ, các nước công nghiệp cũng ứng dụng những máy móc này vào sản xuất nên dẫn đến tỷ trọng xuất khẩu ngành may mặc nước ta sẽ giảm mạnh.
Ms.Công nhân