“Nếu không có shipper thì chết đói” nên ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch?
27.07.2021 890 hongthuy95
Nhiều người đã cảm thán như thế sau quy định cấm hoạt động giao hàng, shipper tại nhiều địa phương để phòng dịch. “Thay vì siết chặt, sao không ưu tiên tiêm vaccine để nối mạch cung ứng, phát triển kinh tế, lại vẫn phòng chống dịch an toàn”

Cấm shipper giao hàng để phòng dịch
Hà Nội hay TP.HCM, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành có tình hình dịch diễn biến xấu từng ít nhất 1 lần ra chỉ thị cấm shipper giao hàng công nghệ, Grab hoạt động để phòng dịch. Vì tin rằng đây là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, do đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, khó giám sát và kiểm soát.
Tuy nhiên, trái ngược với chủ trương của chính quyền, phần đa người dân, người tiêu dùng cuối cùng của hàng hóa có phần bức xúc và tỏ ra quan ngại. Nhiều người cho rằng shipper giờ là cầu nối tương đối an toàn giữa nhu cầu mua hàng của họ với đơn vị cung ứng, khi mà việc ra ngoài lúc này được khuyến cáo hạn chế, họ cũng lo sợ tiếp xúc với môi trường bên ngoài vì dịch.
Trước đó, H., nhân viên văn phòng tại Hà Nội “đi chợ” qua mạng. Cô mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu online rồi đợi shipper giao hàng đến - để tránh phải đi đến nơi đông người. Giờ đây, cô cho hay đang khá lo lắng khi thông tin thành phố cấm hoạt động shipper để phòng dịch. “Họ thực sự quan trọng với tôi, cả khi có và không có dịch. Vì sự tiện lợi và an toàn. Không một ngày nào mà tôi không nhận một vài hàng gì đó được ship tới” - H. nói.
“Không có shipper chắc tôi chết vì đói mất” - lời cảm thán của T. (sống ở Tp.HCM) sau khi khu nhà trọ nơi cô ở kết thúc 24 ngày phong tỏa. Cô cho biết mặt dù chính quyền có hỗ trợ về lương thực, thực phẩm và đồ dùng thiết yếu nhưng cũng không thể giải quyết hết được mọi nhu cầu, nhất là phải ưu tiên cho những người yếu thế, người già, trẻ em. Vậy nên, sự có mặt của nhân viên giao hàng là cần thiết, giúp họ “đi chợ” ngay và luôn. Và cả khi không có dịch, dịch vụ này vẫn hữu dụng, bởi không phải ai cũng có điều kiện để ra ngoài mua sắm thứ họ cần.
Theo chuyên gia nhận định, shipper không chỉ có ý nghĩa với người tiêu dùng cuối cùng (như H. hay T.), đây còn là một phần của mạng lưới cung ứng thương mại khổng lồ, là “lực lượng huyết mạch” kết nối, giữ cho nền kinh tế vận động ngay cả khi một hoặc nhiều nơi bị cách ly, phong tỏa vì dịch bệnh như hiện tại, là một phần quan trọng và đặc biệt cần thiết giúp Việt Nam thực hiện và hướng đến mục tiêu kép: vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế.

Shipper dễ mang và lây lan mầm bệnh?
Tư tưởng của nhiều người hiện nay là: công việc shipper đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nên khả năng gặp và mang - lây lan mầm bệnh là vô cùng cao. Hơn nữa, không phải ai cũng có thói quen hay có nhu cầu mua hàng qua mạng, họ có thể tự đến nơi bán và mua về sử dụng khi cần thiết. Vậy nên, tại thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, quy định cấm shipper hành nghề là cần thiết và phù hợp. Đúng không?
Chưa vội kết luận đúng hay sai, nhưng nếu thử phân tích rõ hơn, hẳn sẽ dễ nhìn thấy bên nặng - bên nhẹ:
- Không thể phủ nhận ngoài hình thức đi chợ truyền thống thì “đi chợ” trên mạng dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, nhất là người bận bịu hay hiện đại, người không có điều kiện và khả năng tự mua
- Một người có thể tự mua đồ dùng họ cần nhưng nếu 10 người, 100 người cùng đi đến 1 địa điểm bán sẽ được tính là tập trung đông người, nguy cơ mất an toàn cao lại vi phạm quy định phòng chống dịch - trong khi 1 shipper có thể thay thế cho vài chục người “đi chợ” 1 ngày. Vài chục người ở nhà, chỉ 1 người ra đường thì nên chọn cách nào?
- Lây nhiễm từ shipper cũng tương tự như lây nhiễm từ bất cứ người nào khác, nếu không tuân thủ 5K thì cũng có nguy cơ như nhau. Và đội ngũ giao hàng này họ ít nhất cũng sẽ biết tự bảo vệ bản thân và gia đình họ trước khi có tư tưởng chủ quan trong phòng dịch rồi, trừ những ai vô ý thức và coi nhẹ thực sự thôi (số này rất ít)
Dịch bệnh diễn biến nặng, chính quyền yêu cầu người dân hạn chế ra đường, có trường hợp xử lý sai cá nhân ra ngoài khi không cần thiết (mua bánh mì mà đây không phải hàng thiết yếu (nhận thức sai)) nên nhiều người càng e ngại. Vậy nên, đáng lẽ ra phải tạo điều kiện cho lực lượng shipper hoạt động mới phải chứ?
Thời điểm dịch bệnh khắc nghiệt ở Trung Quốc hồi năm ngoái là minh chứng dễ thấy nhất. Một tờ báo chính thống của nước này thậm chí đã gọi đội ngũ shipper là “đội quân nuôi sống” hàng triệu người dân nước họ khi chính quyền thắt chặt các chính sách cách ly, phong tỏa cộng đồng vì Covid-19 bùng phát dữ dội.
Chỉ cần lên phương án và kế hoạch, quy định phòng dịch chi tiết và rõ ràng, siết chặt công tác quản lý sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ mất an toàn, hạn chế tối đa lây nhiễm.

Cần thiết nên bảo vệ và ưu tiên shipper tiêm vaccine!
Chuyên gia kiến nghị, công ty vận tải trông chờ và ngay cả đội ngũ shipper cũng mong mỏi được có tên trong danh sách đối tượng ưu tiên tiêm chủng vaccine trong thời gian tới. Đội ngũ xử lý và vận chuyển hàng hóa, lái xe chở hàng, nhân viên kho bãi, nhân viên siêu thị, giao hàng tại các công ty vận chuyển logistics đang ở tuyến đầu đảm bảo sự lưu thông hàng hóa đến với người dân. Đây là đối tượng “nhạy cảm”, di chuyển nhiều với phạm vi rộng nên cần thiết phải ưu tiên tiêm chủng phòng dịch.
Giai đoạn đầu chúng ta chỉ quan tâm đến bảo vệ sản xuất mà quên mất logistics. Khi chú ý đến logistics rồi thì vẫn quên các shipper, người mang sản phẩm logistics đến người tiêu dùng cuối, hộ gia đình. Vậy nên, việc cần làm hiện nay là phải tiêm ngay vaccine cho đội ngũ nhân viên giao hàng, sau lực lượng tuyến đầu chống dịch trực tiếp. Có thể cân nhắc “nhấc ra” khỏi danh sách ưu tiên những đối tượng chưa cấp bách như giáo viên, vì họ giờ hoàn toàn có thể làm việc được tại nhà.
Bên cạnh đó, chuyên gia và chính người tiêu dùng cũng “hiến kế” để cơ quan chức năng kiểm soát lực lượng shipper trong công tác phòng chống dịch nếu được phép hoạt động. Chẳng hạn:
- Thường xuyên kiểm tra y tế, bắt buộc thực hiện nghiêm 5K
- Giới hạn tuyến đường trung chuyển, ưu tiên 2 điểm đến - 1 tuyến đường
- Cam kết chỉ giao nhận lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu
- Có mã QR để kiểm tra, xác định danh tính shipper kèm thông tin cá nhân
- Yêu cầu check-in các địa điểm giao - nhận hàng trong ngày
- …

Việc không cho shipper hoạt động, nhất là tại các thành phố lớn sẽ ngay lập tức giảm đáng kể lượng hàng hóa tiêu thụ, gián tiếp gây tổn thất cho người kinh doanh, đơn vị cung ứng khác và đơn vị sản xuất. Nông sản, hàng hóa của nông dân bị chặn đầu ra cũng gây nhiều thiệt hại. Vậy nên thực sự cần đội ngũ giao hàng làm cầu nối. Phải chăng, việc cấm shipper hoạt động là chưa phù hợp và “mắt xích” thiết yếu này đang bị bỏ quên ở chuỗi cung ứng trong chiến dịch ưu tiên tiêm chủng vaccine?
Ms. Công nhân
(Tham khảo từ VnExpress)