Logistics là gì? Tất tần tật những điều cần biết về Logistics
07.09.2022 7757 ungvien
Từ khi được đưa vào giảng dạy như một ngành học chính thức trong các trường Đại học - Cao đẳng, thuật ngữ Logistics ngày càng được sử dụng phổ biến. Nếu bạn chưa biết Logistics là gì thì tìm hiểu cùng Vieclamnhamay.vn nhé!
Logistics không chỉ đơn thuần là dịch vụ vận chuyển mà thực tế là một khái niệm bao hàm rất rộng và có vai trò rất quan trọng với mọi doanh nghiệp sản xuất. Vậy thì chính xác Logistics là gì?
► Logistics là gì?
Xuất phát là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, Logistics dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “hậu cần”.
Vận dụng vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay, Logistics là chuỗi các hoạt động liên quan đến hàng hóa: đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho đến khi hàng hóa được giao đến người tiêu dùng cuối cùng.
Tại Điều 233, Luật Thương mại nêu rõ: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stíc.”
► Dịch vụ Logistics bao gồm những gì?
Hiện nay, dịch vụ logistics bao gồm các hoạt động:
• Dịch vụ xếp dỡ hàng hóa container
• Dịch vụ kho - bãi container nằm trong dịch vụ hỗ trợ vận tải biển
• Dịch vụ kho bãi - hỗ trợ mọi phương thức vận tải
• Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan - bao gồm dịch vụ thông quan
• Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa
• Dịch vụ chuyển phát
• Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, bán lẻ (quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp - phân loại và giao hàng hóa)
• Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ/ đường sắt/ đường biển/ đường thủy nội địa
• Dịch vụ vận tải hàng không
• Dịch vụ vận tải đa phương thức
• Dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật
• Các dịch vụ khác: Kiểm tra vận đơn, dịch vụ môi giới vận tải hàng hóa, dịch vụ lấy mẫu và xác định trọng lượng, kiểm định hàng hóa, dịch vụ nhận và chấp nhận hàng, dịch vụ chuẩn bị chứng từ vận tải…
► Phân loại Logistics theo quá trình
- Inbound Logistics (Logistics đầu vào)
Là hoạt động tiếp nhận - lưu trữ nguyên vật liệu đầu vào từ nhà cung cấp đến doanh nghiệp. Hoạt động cung ứng này cần đảm bảo tính tối ưu về mặt giá trị - thời gian - chi phí phục vụ cho quá trình sản xuất.
- Outbound Logistics (Logistics đầu ra)
Bao gồm các hoạt động như: kho bãi lưu trữ hàng hóa, phân phối sản phẩm đến nhà buôn/ nhà bán lẻ/ khách hàng… sao cho là lựa chọn tốt nhất về địa điểm, thời gian để tiết kiệm chi phí - đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng, giúp người tiêu dùng mua được hàng hóa với giá thành rẻ, tăng lợi thế cạnh tranh và mang về lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp.
- Reverse Logistics (Logistics ngược)
Là những hoạt động thu hồi sản phẩm lỗi, phế liệu - phế phẩm… phát sinh từ quá trình phân phối hàng hóa nhằm phục vụ cho việc tái chế hoặc xử lý.
► 4 Hình thức quản trị Logistics hiện nay
- First Party Logistics - 1 PL Logistics
Doanh nghiệp tự thực hiện mọi hoạt động vận chuyển, lưu trữ nguyên liệu - sản phẩm - hàng hóa từ đầu vào tới đầu ra, đến tay người tiêu dùng.
- Second Party Logistics - 2 PL Logistics
Doanh nghiệp sản xuất vừa tự quản lý vừa thuê ngoài 1 dịch vụ vận hành trong chuỗi hoạt động logistics (gồm 2 bên liên quan).
- Third Party Logistics - 3 PL Logistics
Doanh nghiệp thuê đơn vị kinh doanh các dịch vụ logistics quản lý chuyên biệt và chỉ thực hiện một vài hoạt động trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
- Fourth Party Logistics - 4 PL Logistics
Doanh nghiệp sản xuất thuê doanh nghiệp chuyên dịch vụ logistics phụ trách vận hành - quản lý toàn bộ hoạt động trong chu trình logistics.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của thương mại điện tử, hình thức 5PL giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực E-Commerce thực hiện việc quản lý logistics dễ dàng và thông minh hơn.
Chi phí logistics là gì? Cách xác định chi phí logistics chuẩn xác nhất
► Cơ hội và thách thức của ngành logistics hiện nay
- Về cơ hội:
• Theo số liệu của Tổng cục Thống kế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2020 ước đạt hơn 543 tỷ USD, cộng với lực hút đầu từ nước ngoài đến từ nhiều công ty đa quốc gia như: Samsung, LG, Unilever, Nestle, Intel… khiến ngành logistics tại Việt Nam càng có cơ hội phát triển cạnh tranh.
• Bên cạnh cơ sở hạ tầng sẵn có, việc định hướng quy hoạch, triển khai đầu tư phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, cảng nước sâu Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành, tuyến đường sắt xuyên Á… tạo điều kiện cho giao thương trong nước và quốc tế phát triển, giúp nước ta hội nhập sâu hơn với khu vực và trên thế giới.
• Sự phát triển của công nghệ thông tin cũng tạo đà then chốt để Việt Nam hướng mục tiêu khai thác thị trường Logistics quốc tế.
- Về thách thức
• Trong khi hơn 70% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics hiện nay có quy mô vốn vừa và nhỏ thì chỉ có 7% doanh nghiệp vốn trên 1.000 tỷ đồng - mà chủ yếu là công ty đa quốc gia. Cho nên việc yếu vốn và chậm đầu tư phát triển công nghệ là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp Việt thiếu sức cạnh tranh trên thị trường logistics quốc tế.
• Việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý kho bãi và cơ sở bán hàng của nhiều tỉnh/ thành hiện vẫn ở mức thấp (địa phương cao nhất là Tp.HCM nhưng cũng chỉ đạt 39.3%), chưa tận dụng được sức mạnh của công nghệ vào các chu trình vận hành.
• Thiếu lực lượng lao động chuyên ngành có chuyên môn vững vàng. Thực tế nhân lực ngành logistics phần nhiều chưa được đào tạo bài bản nên không đáp ứng được chất lượng chuyên môn nghiệp vụ tối đa.
► Học logistics ra làm gì - mức lương bao nhiêu?
Với những bạn trẻ sở hữu tấm bằng chuyên ngành logistics khi ra trường sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm:
• Nhân viên xuất nhập khẩu
• Nhân viên giao nhận kho hàng
• Nhân viên giao nhận vận tải
• Nhân viên kiểm kê
• Nhân viên quản lý kho hàng…
Về mức lương nhân sự ngành Logistics, chủ yếu sẽ phụ thuộc vào năng lực và kinh nghiệm làm việc. Theo ghi nhận của Vieclamnhamay.vn, nhân viên mới tốt nghiệp thu nhập hàng tháng thường sẽ dao động trong khoảng 5 - 8 triệu đồng/tháng, những nhân viên có kinh nghiệm vài năm ở mức 9 - 13 triệu/tháng. Đối với vị trí quản lý có thể nhận được mức thu nhập 13 - 23 triệu đồng tháng hoặc cao hơn nữa tùy theo chuyên môn cũng như quy mô công ty.
Logistics hiện là ngành có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, bình quân từ 15 - 30%/ năm và chiếm đến 20% tổng GDP cả nước. Dù có khoảng 1.500 doanh nghiệp đang kinh doanh các dịch vụ logistics - tuy nhiên chỉ có 5 - 7% nhân sự ngành được đào tạo chuyên môn bài bản. Do vậy, đó là cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ có ý định hoặc đang theo học ngành này. Để dễ dàng thăng tiến trong nghề, nhân sự ngành không chỉ phải thành thạo chuyên môn nghiệp vụ - giỏi ngoại ngữ mà còn cần nhanh nhạy với công nghệ thông tin.
Ms. Công nhân