Ngành kỹ thuật hóa học là gì? Khám phá những thú vị điển hình từ công việc của kỹ sư hóa học
14.09.2022 27527 haiyen.tran37
MỤC LỤC
- Ngành Kỹ thuật hóa học là gì?
- Học gì trong ngành kỹ thuật hóa học?
- Học ngành kỹ thuật hóa học ở đâu?
- Kỹ sư hóa học làm những công việc gì?
- Cơ hội nghề nghiệp của Kỹ sư hóa học ra sao?
- Môi trường làm việc của kỹ sư hóa học như thế nào?
- Mức lương kỹ sư hóa học ra sao?
- Kỹ sư hóa học cần trang bị kỹ năng gì?
- Ngành kỹ thuật hóa học có độc hại không?
- Con gái có nên học ngành kỹ thuật hóa học?
Nhiều bạn trẻ đam mê môn hóa học chắc hẳn đang định hướng lựa chọn ngành kỹ thuật hóa học để ứng tuyển sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bạn đã biết ngành kỹ thuật hóa học là gì? Công việc cụ thể của kỹ sư hóa học là gì? Môi trường làm việc như thế nào? Cơ hội nghề nghiệp trong tương lai ra sao?... Dưới đây có thể là những thông tin hữu ích dành cho bạn!
Ngành Kỹ thuật hóa học là gì?
Hóa học là ngành khoa học chuyên nghiên cứu về chất, cách thức, phương pháp biến đổi chất cũng như ứng dụng của chất đó trong cuộc sống ra sao, vì thế đây là ngành học có tính ứng dụng cao về đời sống thực tế trong xã hội. Ngành hóa học hướng đến mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động Việt, trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn chuẩn, kỹ năng nghiệp vụ giỏi ở đa dạng các lĩnh vực như năng lượng, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe... Một phần của hóa học là nền tảng tạo nên ngành kỹ thuật hóa học.
Kỹ thuật hóa học là ngành khoa học ứng dụng và công nghệ chuyên nghiên cứu, ứng dụng các kiến thức hóa học (tính chất của các nguyên tố hay hợp chất hóa học, các (quá trình) phản ứng, quy luật hay nguyên lý của hóa học...) và kỹ thuật - kết hợp với các kiến thức khoa học cơ bản khác vào quá trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm hóa học có tính ứng dụng cao, phục vụ hoạt động công nghiệp và đời sống như sản phẩm tiêu dùng (phân bón, dược phẩm, khí đốt, xăng dầu, giấy, cao su, xi măng, thủy tinh, pin...), làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác.
Học gì trong ngành kỹ thuật hóa học?
Sinh viên theo học các trường có ngành kỹ thuật hóa học (hoặc công nghệ kỹ thuật hóa học) sẽ được trang bị đầy đủ lượng kiến thức nền tảng, từ cơ bản đến chuyên sâu qua các mô cơ sở ngành ở các mảng. Phổ biến nhất là:
- Hóa học, gồm: hóa hữu cơ, hóa kỹ thuật, hóa dầu
- Giới thiệt về kỹ thuật hóa sinh
- Tính toán kỹ thuật
- Kỹ thuật điện và thông tin
- Cơ học chất lỏng, khối lượng và sự truyền nhiệt, nhiệt động lực học
- Kết cấu, vật liệu và động lực học
- Công nghệ điện hóa
- Kỹ năng thực hành trong kỹ thuật hóa học
- Kỹ năng lập trình cho kỹ sư
- Kiến thức và trách nhiệm đạo đức với môi trường
- Thực hành trực tiếp tại phòng thí nghiệm, ứng dụng lý thuyết vào thực hành thực tế
- ...
Khối kiến thức trên giúp sinh viên có khả năng tính toán, thiết kế và thi công một phần hoặc toàn bộ công trình trong lĩnh vực kỹ thuật hóa học, ứng dụng vào thực hành trong thực tế công việc cho từng lĩnh vực tương ứng.
Học ngành kỹ thuật hóa học ở đâu?
Hiện có khá nhiều trường đại học uy tín và chất lượng trên cả nước tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngành kỹ thuật hóa học (một số trường là ngành công nghệ kỹ thuật hóa học). Chẳng hạn như:
- Khu vực phía Bắc: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH KHTN - ĐHQG Hà Nội, ĐH Khoa học - ĐH Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên...
- Khu vực miền Trung: ĐH Vinh, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Quy Nhơn, ĐH Nha Trang...
- Khu vực phía Nam: ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH KHTN - ĐHQG TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH An Giang...
Các tổ hợp khối thi để tham khảo gồm: A, A1, B, D1, D7, D90.
Kỹ sư hóa học làm những công việc gì?
Sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học hay công nghệ kỹ thuật hóa học được gọi tên là kỹ sư hóa học đảm nhận nhiệm vụ thiết kế, chế tạo, đánh giá, điều chỉnh, quản lý và vận hành hệ thống các thiết bị, quá trình sản xuất sản phẩm ngành hóa chất trong quy mô công nghiệp.
Kỹ sư hóa học không chỉ cần giỏi về hóa học mà còn phải am hiểu về vật lý, sinh học, toán học và các kiến thức liên quan khác để có thể áp dụng vào thực tế quá trình làm việc. Công việc của một kỹ sư hóa học thường là áp dụng các nguyên tắc của vật lý, sinh học, toán học, cơ khí, điện và hóa học để hoàn thành các công tác nghiên cứu, ứng dụng hóa học cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phục vụ những nhu cầu khác trong cuộc sống của con người (vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại thuốc…)
Xem thêm: Kỹ sư là gì? Cập nhật 3 thang bậc lương kỹ sư mới nhất
Những công việc cụ thể mà kỹ sư hóa học có thể phải đảm nhận bao gồm:
- Nghiên cứu và phát triển những thủ tục, quy trình an toàn cho người tiếp xúc và làm việc với hóa chất độc hại
- Khắc phục sự cố và giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có) trong quá trình sản xuất
- Đánh giá quá trình sản xuất và kiểm tra chất lượng các thiết bị máy móc nhằm đảm bảo tuân thủ những quy định an toàn và môi trường
- Nghiên cứu và phát triển những quy trình sản xuất mới, đồng thời cải thiện những quy trình sản xuất cũ
- Thiết kế và lên kế hoạch bố trí các thiết bị
- Thực hiện các xét nghiệm và theo dõi hiệu suất của các quá trình trong sản xuất
- Ước tính chi phí sản xuất cho việc kế hoạch và quản lý
- Xây dựng quy trình để phân tích các thành phần của chất lỏng hoặc chất khí, hoặc để tạo ra dòng điện sử dụng các quá trình hóa học được kiểm soát...
Tuy nhiên tùy từng lĩnh vực và vị trí làm việc cụ thể mà kỹ sư hóa học chỉ phải đảm nhận một số nhiệm vụ chính, không phải kỹ sư hóa học nào cũng phải làm tất cả các công việc trên.
Một số vị trí công việc điển hình như:
- Kỹ sư thiết kế thuộc các Tập đoàn kinh tế, công nghiệp quốc gia, tổ chức tư nhân, tổ chức đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực hóa chất, dược phẩm, hàng không, xăng dầu...
- Kỹ sư vận hành tại các nhà máy, khu công nghiệp, Tập đoàn dầu khí...
- Kỹ sư công nghệ tại các Tập đoàn, công ty thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện, công nghệ vật liệu mới như điện tử, năng lượng, polyme...
- Kỹ sư điều hành trong các công ty, nhà máy sản xuất hóa chất, xi măng, phân bón...
- Kỹ thuật viên phân tích, chuyên viên nghiên cứu tại Viện hóa học, Viện vật liệu, Viện mỹ phẩm...
- Chuyên viên nghiên cứu, giảng viên giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, viện, trung tâm nghiên cứu...
Cơ hội nghề nghiệp của Kỹ sư hóa học ra sao?
Có thể nói, sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học/ công nghệ kỹ thuật hóa học không sợ thất nghiệp. Những kỹ sư giỏi đều được các Trung tâm, Viện nghiên cứu hay Công ty, Doanh nghiệp "săn lùng" và "đặt hàng" ngay khi đang học năm cuối đại học.
Tốt nghiệp ngành kỹ thuật hóa học, kỹ sư hóa học có thể làm việc tại bộ phận nghiên cứu và phát triển, trong các phòng thí nghiệm của doanh nghiệp tư nhân hoặc cơ quan nhà nước, trung tâm nghiên cứu hóa chất quốc gia. Họ có thể làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp như nhà máy lọc dầu, nhà máy sản xuất các loại hóa chất, các công việc liên quan đến công nghệ sinh học… Nói chung kỹ sư hóa học chủ yếu làm việc tại văn phòng và các phòng thí nghiệm.
Còn về doanh nghiệp, cơ quan họ có thể làm việc thì rất đa dạng ngành nghề và quy mô. Cơ hội nghề nghiệp của các kỹ sư hóa học là khá lớn và có nhiều cơ hội phát triển trong tương lai khi các ngành công nghiệp nặng và nhẹ ở nước ta đều đang được chú trọng phát triển mạnh bởi các chính sách của nhà nước và sự quan tâm đầu tư mạnh của nhiều đối tác nội - ngoại. Hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn được mở ra nhờ sự hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, vì thế rất cần các kỹ sư hóa học giỏi và tâm huyết về đầu quân.
Bên cạnh đó, cũng có thể học lên cao rồi đầu quân làm giảng viên giảng dạy trong các trường đại học, bộ môn công nghệ hóa học, kỹ thuật hóa học...
Môi trường làm việc của kỹ sư hóa học như thế nào?
Kỹ sư hóa học có thể đầu quân vào một trong các tổ chức, cơ quan như:
- Nhà máy lọc dầu, hóa chất, nhựa, thảo dược, bào chế thuốc, thiết bị sản xuất thuốc
- Công ty, nhà máy sản xuất hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu, xi-măng...
- Tập đoàn, công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ nhiên vật liệu mới
- Tập đoàn kinh tế, công nghiệp quốc gia, tư nhân, đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, xăng dầu, dược phẩm, hàng không...
- Trương đại học, cao đẳng
- Viện, Trung tâm nghiên cứu có khoa công nghệ kỹ thuật hóa học...
Như vậy, các lĩnh vực có nhu cầu tuyển kỹ sư hóa học có thể là: thời trang (dệt, nhuộm...); môi trường (xử lý chất thải, khí thải...); mỹ phẩm, hóa dược; năng lượng; sản xuất hàng tiêu dùng; nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu...); nguyên liệu cho công nghiệp điện tử; vật liệu xây dựng; công nghệ thực phẩm; y tế, chăm sóc sức khỏe, dược mỹ phẩm...
Mức lương kỹ sư hóa học ra sao?
Hiện mức lương kỹ sư hóa học được đánh giá ở mức trung bình - cao so với một số công việc đặc thù khác, dao động trong khoảng từ 9 - 10 triệu đồng/ tháng tùy thuộc vào môi trường làm việc, kinh nghiệm, năng lực và hiệu suất công việc. Ngoài ra, nếu làm việc cho các công ty lớn ở mảng năng lượng E.ON hay nhà cung cấp dược phẩm, mức lương và đãi ngộ còn hấp dẫn hơn nhiều, có thể từ 30 triệu đồng trở lên.
Kỹ sư hóa học cần trang bị kỹ năng gì?
Sự thật thì chỉ cần kết hợp sai các chất, hợp chất với nhau sẽ có nguy cơ gây nổ rất cao. Vì thế, một kỹ sư hóa học ngoài trang bị kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ còn cần:
- Cẩn thận và tỉ mỉ
- Chính xác và thận trọng
- Kiên trì và nhẫn nại
- Tư duy, sáng tạo tốt
- Chịu được áp lực, có trách nhiệm trong công việc
- Kỹ năng phân tích và đánh giá, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, quản lý và điều hành quy trình sản xuất...
Ngành kỹ thuật hóa học có độc hại không?
Nhiều bàn tán cho rằng lĩnh vực hóa học tiềm ẩn nguy cơ độc hại cao. Các bạn trẻ vì thế mà e dè trong quyết định chọn ngành học liên quan đến hóa học. Ngành kỹ thuật hóa học cũng được đặt lên bàn cân đo đong đếm. Thực hư thế nào?
Thực tế, các chương trình đào tạo của ngành kỹ thuật hóa học, cũng như những công việc liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật hóa học chủ yếu liên quan đến khả năng tính toán các quá trình hóa-lý-nhiệt-sinh xảy ra khi vật liệu được chế biến thành công thành sản phẩm. Ngoài ra, sinh viên sẽ được đào tạo kỹ lưỡng kiến thức về các phương pháp thí nghiệm cũng như khuyến khích thực hành thường xuyên đẻ đảm bảo thành thạo trong mục đích nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn trong lúc nghiên cứu, thí nghiệm cho các tình huống tiếp xúc làm việc với hóa chất để không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bản thân.
Con gái có nên học ngành kỹ thuật hóa học?
Trừ khi ngành - nghề đó đặc thù, bằng không, không có một quy định nào không cho nữ giới theo học hay làm bất kỳ một ngành - nghề nào hiện có trong xã hội. Ngành kỹ thuật hóa học cũng rộng cửa chào đón nữ sinh viên đăng ký theo học.
Theo các chuyên gia đầu ngành, cơ hội nghề nghiệp của phái nữ trong lĩnh vực này hiện không hề kém cạnh hơn nam giới. Bởi lẽ, với các nhà tuyển dụng, họ sẽ đánh giá năng lực và kỹ năng nghề của ứng viên, bên cạnh những kỹ năng cần thiết khác phục vụ tốt cho công việc, hay sự khéo léo, cẩn thận, tinh nhạy cùng với những kỹ năng mềm như ứng xử, giao tiếp... để chọn ra những ứng viên tiềm năng tuyển dụng.
Nếu bạn đam mê với những thí nghiệm, yêu thích và có lực học môn hóa cùng các môn tự nhiên khá tốt, đừng ngại phấn đấu để trở thành một kỹ sư hóa học giỏi trong tương lai nhé. Rất nhiều cơ hội việc làm và trải nghiệm thú vị liên quan đến ngành nghề đang chờ đợi bạn.
Ms. Công nhân