Nhân viên đi làm trễ liên tục: Nguyên nhân và Giải pháp khắc phục
06.09.2023 1066 hongthuy95
Chuyện nhân viên đi làm trễ không lạ nhưng tần suất lặp lại thường xuyên thì không được. Vậy đâu là nguyên do? Giải pháp khắc phục tình trạng này thế nào? Cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu ngay nhé!
Tại sao nhân viên đi làm trễ?
Bỏ qua những lý do chủ quan và khách quan có thuyết phục như đau ốm đột xuất, gặp sự cố trên đường đi làm, thời tiết xấu hay các vấn đề được chấp nhận khác thì những nguyên nhân đi làm trễ sau đây là phổ biến nhất:
+ Nhân viên có ý thức kỷ luật kém
Tính cách vô trách nhiệm, thiếu ý thức kỷ luật của nhân viên chính là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi đi làm trễ của họ. Và thay vì tìm cách khắc phục, họ lặp lại tình trạng này thường xuyên rồi bào chữa cho nó bằng những lý do khác nhau để qua chuyện.
+ Nhân viên yếu kỹ năng quản lý thời gian
Không thể tính toán chuẩn xác khoảng thời gian thích hợp để di chuyển từ nhà đến chỗ làm khiến chuyện đi làm trễ xảy đến. Đó là biểu hiện của người yếu kỹ năng quản lý thời gian. Ngoài ra, việc loay hoay sửa soạn đồ dùng cá nhân để đi làm cũng làm mất thời gian đáng kể.
+ Nội quy công ty chưa rõ ràng
Đây cũng là kẽ hở để nhân viên vin vào đó mà lợi dụng đi trễ. Kiểu 1-2 lần chắc chỉ bị nhắc nhở, cùng lắm thì phê bình, khiển trách…
+ Cơ chế thưởng phạt cho việc đi trễ chưa đủ nặng
Phạt 5k, 10k hay 50k cho 1 lần đi trễ cũng chẳng vấn đề gì với nhân viên đã quen với điều đó, lại đi làm không hẳn vì tiền hay đang có điều kiện kinh tế khó khăn.
+ Sếp cũng đi làm trễ như ai
Sếp như thế thì lấy gì làm gương cho nhân viên, khiến nhân viên nể mà tuân thủ mệnh lệnh. Nhân viên A đi trễ bị nhắc nhở thì bật lại: “Anh (chuyền trưởng) hôm qua cũng vừa đi trễ 3 phút đó còn gì!” có mà im bặt.
Làm thế nào để hạn chế tình trạng đi làm trễ của nhân viên?
Nạn đi làm trễ chắc chắn sẽ không thể bị triệt tiêu 100%, tuy nhiên sẽ giảm thiểu đáng kể nếu áp dụng nghiêm những giải pháp hữu hiệu sau:
+ Ban hành nội quy lao động rõ ràng
Bảng nội quy lao động nên được soạn thảo chi tiết và đầy đủ những quy định, điều khoản về thời gian làm việc, nghỉ ngơi và quy chế thưởng phạt tương ứng cho từng sự vụ. Chẳng hạn: chấm công 8 tiếng/ca, quy trình báo cáo nếu đi làm trễ, cách thức làm bù lại thời gian đi trễ… Quy định càng rõ ràng thì nhân viên càng dễ hiểu và dễ áp dụng, đảm bảo quyền lợi chính đáng nếu làm việc chăm chỉ và trách nhiệm.
+ Trò chuyện 1-1 với nhân viên vi phạm
Thay vì đưa nhân viên vi phạm lần đầu ra khiển trách công khai hay áp dụng phạt tiền, sa thải ngay lập tức thì việc trò chuyện riêng, giữa người quản lý với nhân viên vi phạm sẽ phù hợp hơn. Lắng nghe chia sẻ của nhân viên, hỏi về lý do đi làm trễ, quan điểm của nhân viên về lỗi đi trễ… trước khi ra quyết định xử lý. Biết đâu, nhân viên có lý do khó nói của họ. Và việc người quản lý tạo điều kiện để họ được giải bày, tạo điều kiện để họ xử lý chuyện cá nhân, triệt tiêu nguyên nhân đi làm trễ thì tương lai tình trạng này sẽ giảm đáng kể.
+ Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đủ răn đe
Nếu sự mềm mỏng và tế nhị không mang lại hiệu quả, hãy áp dụng quy chế xử lý kỷ luật đối với nhân viên đi làm trễ liên tục, đảm bảo đủ sức răn đe. Kỷ luật tài chính (cắt giảm phần thưởng hoặc kéo dài thời hạn nâng lương) - hạ cấp bậc - tệ nhất là sa thải nếu cần. Doanh nghiệp không cần những cá nhân thiếu ý thức và liên tục phạm lỗi.
+ Đưa ra quy chế thưởng cụ thể và hấp dẫn
Phần thưởng luôn là thứ hấp dẫn người làm thuê nỗ lực đạt được. Thưởng chuyên cần/tháng là ví dụ. Nhân viên sẽ có xu hướng chăm đi làm, đi làm đúng giờ hơn là ỉ i giờ vào - tan ca vì công ty chả có nội quy gì rõ ràng.
Đi làm trễ là vấn nạn chung của nhiều doanh nghiệp. Có nơi chỉ dừng lại ở chuyện nhắc nhở, nặng hơn thì trừ chuyên cần; nơi cứng hơn thì phê bình công khai, hạ cấp, thậm chí sa thải nếu vi phạm nhiều lần.
Công ty bạn có đang gặp tình trạng nhân viên đi làm trễ liên tục? Bạn đang áp dụng hình thức xử lý nào? Hiệu quả ra sao?
Ms. Công nhân