NLĐ đóng BHXH từ năm 2025 có thể sẽ không được rút 1 lần
09.08.2023 12234 hongthuy95
Nhằm giảm thiểu tình trạng NLĐ ồ ạt đăng ký rút BHXH 1 lần mỗi khi có khủng hoảng, mới đây, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội đề xuất không giải quyết nguyện vọng rút BHXH 1 lần cho NLĐ tham gia đóng các khoản BH bắt buộc từ năm 2025 trở đi. Hiện thông tin này đang gây xôn xao dư luận và nhận về nhiều phản hồi mạnh mẽ từ "dân làm thuê".
Khuyến khích NLĐ đóng BH đủ để hưởng lương hưu
Cơ quan BHXH vẫn giữ quan điểm khuyến khích NLĐ tham gia đóng đầy đủ các khoản BHXH, với thời gian đóng theo quy định để sau này được hưởng lương hưu, ổn định cuộc sống thay vì giờ nghỉ việc rút 1 lần rồi tiêu hết, về già không có “khoản dự phòng” phải cậy nhờ con cháu hay chi tiêu eo hẹp vô cùng khốn khổ. Vậy nên, tình trạng cứ hễ đóng BHXH được vài năm, gặp lúc không có việc làm, không có tiền tiêu là lại kéo nhau đi yêu cầu rút 1 lần gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn.
Mới đây, dự thảo Luật BHXH được trình lên Chính phủ với nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng thêm quyền lợi cho NLĐ, khuyến khích họ nếu đang ngưng đóng thì nên bảo lưu rồi sau có điều kiện đóng tiếp để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH 1 lần. Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra 2 phương án dự kiến sẽ áp dụng về quy định cụ thể điều kiện được hưởng BHXH 1 lần đối với từng đối tượng NLĐ cụ thể.
+ Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH 1 lần đối với 2 nhóm NLĐ khác nhau
- Nhóm 1: Đối với NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thì sau 12 tháng nghỉ việc, nếu có nhu cầu sẽ được nhận BHXH 1 lần theo quy định cũ.
- Nhóm 2: Đối với NLĐ tham gia đóng BHXH từ ngày Luật BHXH sửa đổi, bổ sung bắt đầu có hiệu lực trở đi (dự kiến là 1/1/2025) thì sẽ không được nhận BHXH 1 lần nữa, trừ các trường hợp đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ năm đóng để được hưởng; hoặc ra nước ngoài định cư; hay bản thân bị mắc 1 trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Luật.
+ Phương án 2: Quy định việc NLĐ sau 12 tháng không thuộc đối tượng phải tham gia đóng BHXH bắt buộc, cũng không đăng ký đóng BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH trước đó chưa đủ 20 năm mà có yêu cầu rút BHXH 1 lần thì sẽ được giải quyết 1 phần chế độ nhưng không được quá 50% tổng thời gian đã tham gia đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại sẽ được bảo lưu để đóng tiếp tục khi có điều kiện và hưởng đầy đủ các chế độ BHXH theo luật.
Giải thích của Bộ LĐ-TB&XH cho hay, đề xuất này nhằm hướng đến mục đích hạn chế đến giảm thiểu dần tình trạng rút BHXH 1 lần của NLĐ như thời gian qua; đảm bảo hài hòa về quyền lợi cho NLĐ cũng như duy trì ổn định các chính sách an sinh xã hội về lâu dài. Và dù trong ngắn hạn, quy định của phương án 1 có thể chưa giúp duy trì, gia tăng đối tượng đóng BHXH so với phương án 2 nhưng xét trong dài hạn thì lại tối ưu hơn.
Phản ứng của NLĐ với đề xuất này
Khảo sát lý do NLĐ có nhu cầu rút BHXH 1 lần thay vì tạm ngưng rồi đóng tiếp cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, kết quả nhận được những đáp án chủ quan sau:
- Hiện tại không có việc làm, bị mất thu nhập nên cần tiền để xoay xở
- Cần 1 khoản tiền đủ lớn để giải quyết nhu cầu trước mắt, như: xây nhà, mua sắm, chữa bệnh, kinh doanh…
- Lo ngại chính sách thay đổi, ảnh hưởng đến quyền lợi và nhu cầu cá nhân
- Lương hưu sau nhận thấp, không đủ chi tiêu trong tương lai nên không cần áp lực đóng đủ để sau nhận
- Các lý do khác
Bên cạnh đó, bản thân NLĐ cũng đưa ra những mong muốn thực tế để được bảo vệ và đảm bảo quyền lợi chính đáng, làm chủ “số tiền” đóng BHXH được trích từ lương của chính mình. Một số ý kiến đáng lưu tâm và bàn luận:
- Tại sao không tìm giải pháp giúp NLĐ thấy được lợi ích của BHXH để họ không rút? Một số giải pháp như:
1/ Người đóng đủ năm để hưởng lương hưu thì có thể nghỉ hưu trước tuổi đề xuất. Hưởng đúng % đã đóng vào BHXH.
2/ Phân loại các nhóm NLĐ để có số tuổi hưởng lương hưu phù hợp. VD: Dân văn phòng thì số tuổi hưởng lương hưu cao hơn Người lao động phổ thông.
Tiền BHXH đóng vào thì tự động nhưng rút ra thật lắm nhiêu khê, mà luật thì liên tục sửa đổi. Không NLĐ nào yên tâm nếu không có chính sách hợp lý.
- Lợi ích của bhxh thì cũng chỉ có thế và nước nào cũng vậy, nó nằm ở dài hạn sau khi hết tuổi lao động. Ai cũng hiểu nhưng vì lợi ích ngắn hạn trước mắt nên đa số chọn rút. Nói 6 tháng 1 năm thì dễ chứ nói tương lai 15-20 năm sau thì ai cũng tặc lưỡi bỏ qua thôi.
Còn các giải pháp đưa ra thì ai cũng muốn, mỗi tội có lợi cho người hưởng thì quỹ vỡ, hoặc phải tăng phần đóng vào làm người trẻ sau này (là con cháu mình) cần nộp vào càng nhiều mà thôi.
- Khi người lao động nhìn thấy quyền lợi bảo hiểm đủ nuôi sống khi về hưu, lớn tuổi tự nhiên họ không rút ngược lại chờ tuổi hưu.
- Quyền lợi BHXH thì ai cũng biết, nhưng hiện tại thất nghiệp, lớn tuổi xin việc khó, nhà nghèo..., không biết đào đâu ra cái ăn thì làm sao bây giờ. Ngoài sự cố gắng tìm việc của người lao động thì rất cần sự hỗ trợ thế nào đó giúp họ bớt khó khăn, cộng với chính sách nhất quán, có lợi hơn nữa thì sẽ rất ít người rút.
- Đối với những người đóng BHXH trước 1/1/2025 thì phương án 1 là không thay đổi. Đồng ý với quyết định này. Nhưng đối với những người bắt đầu đóng sau khi luật sửa đổi từ 1/1/2025 thì sẽ không được rút 1 lần nữa. Xin mọi người hãy suy nghĩ thêm, nếu không đóng nữa vì không có tiền hoặc thôi làm việc vì gia đình gặp khó khăn tài chánh thì những trường hợp đó sẽ xử lý như thế nào? Có chính sách gì hỗ trợ không? Bởi vì, dù sao tiền đóng BHXH cũng là tiền của họ đóng vào nên về qui luật tự nhiên họ phải được sở hữu nó ....
- Có những trường hợp đóng 3 năm, 5 năm, 7 năm... hoặc 10 năm như tôi bây giờ họ nghỉ việc và vĩnh viễn không có điều kiện để quay lại hệ thống nữa nếu chỉ cho họ rút 50% thì phần còn lại là rất ít trong khi phải đợi đến già mới được lãnh nốt sao? Hiện nay rất nhiều lao động trẻ từ các vùng quê, các tỉnh lẻ lên thành phố, các khu công nghiệp để làm công nhân giải quyết nhu cầu việc làm trước mắt và đóng BHXH bắt buộc nhưng thử hỏi ai có thể bỏ nhà cửa, con cái để đi ở nhà trọ làm công nhân đủ 15-20 năm để lấy lương hưu? Nếu không cho những truờng hợp này rút có phải khó khăn lại càng khó khăn không?
Còn bạn nghĩ sao về đề xuất này? Nếu được chọn, bạn sẽ chọn phương án nào?
Ms. Công nhân
(Tham khảo và tổng hợp từ nhiều nguồn)