Vén màn 4 sự thật trần trụi về Nghề Phiên dịch
14.05.2021 1087 hongthuy95
Bạn sẽ thôi vẽ tiếp bức tranh màu hồng về nghề phiên dịch với việc nhàn, lương cao, thu nhập hấp dẫn, được gặp ông nọ bà kia, đi đây đi đó… sau khi đọc xong chia sẻ thực tế từ một Phiên dịch viên lão làng.

Nghề Phiên dịch kén người theo
Không ngoa khi nói nghề phiên dịch kén. Nghĩa là, không phải ai cũng có thể theo đuổi đến cùng công việc áp lực này. Giỏi ngoại ngữ không chưa đủ, phiên dịch viên còn phải vững kiến thức chuyên môn ở lĩnh vực dịch, nhạy bén, linh hoạt, câu từ trau chuốt, lời nói trôi chảy… thêm sự tự tin và giọng điệu - thái độ tự nhiên mới có thể hoàn thành tốt buổi dịch, tuyệt đối không phạm vào điều tối kị là dịch sai. Dĩ nhiên, người đó cũng bắt buộc phải chịu đựng được áp lực, hình thành tinh thần thép, nhất là phiên dịch cho nguyên thủ quốc gia hay tôn giáo, chính trị, các vấn đề có tính “nhạy cảm”…
Thực tế Nghề Phiên dịch thế nào?
Tồn tại những thông tin cơ bản về nghề, có được, có mất được chia sẻ trên nhiều trang mạng. Tuy nhiên, chúng có đúng, có sai nên vô tình gây hoang mang hoặc “màu hồng hóa” cho nhiều bạn trẻ đang và sẽ có ý định theo nghề. Vì vậy, cần thiết nên tìm hiểu đa dạng nguồn thông tin, thực tế và chính xác nhất là anh chị phiên dịch viên đi trước, những người từng thành - bại trong nghề, từ đó, đúc rút ra nhiều kinh nghiệm làm việc quý báu để lớp kế cận rút kinh nghiệm và học hỏi.
Dưới đây là chia sẻ thực tế của một chị phiên dịch viên nhiều năm lăn lộn trong nghề với những sự thật lần đầu tiết lộ:
- Trở thành Phiên dịch viên không chỉ có 1 con đường chính thống
Chính thống chính là học và sở hữu tấm bằng cử nhân ngôn ngữ (Anh, Hàn, Trung, Nhật…) và đi làm. Cách khác, gọi là phi chính thống sẽ là học bất kỳ một chuyên ngành nhất định nào đó (có liên quan đến ngôn ngữ, khác tiếng mẹ đẻ) và học thêm ngoại ngữ tương ứng bổ trợ.
Con đường nào cũng có thể giúp tìm việc phiên dịch thành công. Chỉ khác ở chỗ thời gian và hiệu quả phiên dịch, cũng như tồn tại các ưu - nhược điểm riêng.
Cụ thể:
+ Học chính thống giúp bạn sở hữu “tấm vé thông hành” hợp lệ để tìm việc, có nền tảng ngôn ngữ tốt, biết cách giao tiếp, tiếp nhận và truyền đạt sang ngoại ngữ tương ứng nhưng lại thiếu kiến thức chuyên ngành, chuyên môn. Vì vậy, sinh viên mới tốt nghiệp thông thường chỉ có thể dịch những chủ đề thường ngày đơn giản chứ chưa đủ tự tin và trình độ dịch chuyên ngành (dĩ nhiên sẽ có ngoại lệ). Có người bất chấp nhận bừa đã lúng túng không hiểu khách đang nói gì để translate cho chính xác. Ví như thuật ngữ “hộ lan”, "dao cách ly”…
+ Học phi chính thống giúp bạn có lợi thế về kiến thức chuyên ngành nhưng sẽ có trường hợp yếu ngoại ngữ, không biết cách truyền đạt sao cho hiệu quả và dễ hiểu (dĩ nhiên, có người thành thạo do tập luyện sớm và thường xuyên).
Nói như thế để thấy, nhận thức đúng và lựa chọn con đường phù hợp giúp mang lại hiệu quả công việc cao, rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu.
- Làm Phiên dịch có sướng không?
Câu trả lời là có sướng ít chứ khổ nhiều, lắm lúc rảnh rỗi cũng nhiều khi rất bận, đôi lần vinh quang và không thiếu tủi nhục.
+ Khổ là bạn gặp phải những từ ngữ mới, từ chuyên ngành lạ, từ địa phương nên không thể tìm được từ tương ứng ở ngôn ngữ kia để dịch.
+ Khách nói quá dài trong khi chủ đề thì quá khó hiểu nên phiên dịch viên cũng chẳng biết phải dịch làm sao cho kịp, cho đúng.
+ Làm phiên dịch không phải là công việc ngồi bàn giấy, phòng máy lạnh. Không ít phiên dịch phải chui vào hầm tối, leo lên đồi cao, đứng dưới nắng chói gay gắt để tác nghiệp…
+ Thời gian làm việc của phiên dịch viên cũng thất thường và kéo dài hơn những công việc khác. Có khi công nhân hay các bộ phận khác nghỉ giữa ca, chia ca nghỉ giữa giờ thì phiên dịch phải dịch liên tục từ sáng sớm đến nửa đêm, khi nào khách hàng ngưng thì mới được nghỉ.
>Cũng còn đó nhiều niềm vui. Đó là khi hiểu được ý nghĩa công việc của mình, chính là làm chiếc cầu nối, xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, đem lại hiệu quả trong đàm phán công việc, giao dịch, khám chữa bệnh, giải trí, thậm chí nói chuyện quốc gia…
>Vinh quang trong nghề là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền đạt thông tin, được khách hàng ghi nhận và tán thưởng. Thêm nữa, cảm giác giá trị mỗi khi phiên dịch viên cất tiếng dịch thì tất cả đều phải lắng nghe, từ nhân viên cho đến giám đốc, chủ tịch.
>Nhưng nghề còn có lúc bạc bẽo đến chạnh lòng. Có những nơi sau khi được và hết việc rồi là chẳng có ai quan tâm đến người phiên dịch nữa. Họ mặc định dịch tiếng là công việc hỗ trợ, là nhiệm vụ duy nhất của một vị trí vì thế bắt buộc phải hoàn thành. Ngược lại, nếu làm sai thì chuẩn bị tinh thần nghe chửi dịch ngơ, dịch giở ngay lập tức. Còn nhớ có lần đi theo dịch cả ngày cho một công ty kia đến mệt nhoài, vậy mà khi đạt được thành công, toàn công ty rủ nhau ăn mừng còn người phiên dịch lủi thủi về phòng hoàn thành nốt bản dịch hợp đồng giao dịch.

- Thu nhập Nghề Phiên dịch cao không?
Điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm, khả năng và ngôn ngữ, hình thức phiên dịch, ngoài ra, đơn vị và ngành nghề tham gia cũng ảnh hưởng ít nhiều đến mức thù lao. Có người kiếm vài trăm nghìn trong vài giờ một ngày nhưng cũng có người kiếm được tiền triệu. Tương tự, có người kiếm vài triệu nhưng cũng có người kiếm được hàng chục triệu mỗi tháng.
Nhìn chung, mức thu nhập của phiên dịch thường cao hơn so với mặt bằng chung. Ngoài sự cần thiết về nhu cầu của xã hội thì lý do một phần có lẽ vì số lượng phiên dịch trong công ty không cần nhiều. Công ty có hơn trăm nhân viên nhưng đôi khi chỉ cần một vị trí dịch thuật (sử dụng vào công việc khi cần thiết). Vì vậy, quỹ lương cho bộ phận này sẽ không bị chia sẻ quá nhiều như những bộ phận khác, và phiên dịch đó nghiễm nhiên sẽ là “Trưởng phòng phiên dịch một thành viên”.
- Tương lai Nghề Phiên dịch ra sao?
Ở thời điểm hiện tại, nghề phiên dịch đang bị cạnh tranh khá gay gắt. Một phần vì rất nhiều người chọn học và theo nghề này. Phần còn lại do nhiều người chọn học ngôn ngữ để hỗ trợ công việc của chính mình, không cần đến người phiên dịch cũng có thể tự giao tiếp và đàm phán. Ngoài ra, với sự phát triển của công nghệ, nhiều ứng dụng và công cụ dịch thuật hỗ trợ phiên dịch ngôn ngữ ra đời, đe dọa công việc và có khả năng thay thế con người. Vì vậy, rất có thể, nhu cầu tuyển phiên dịch sẽ ít dần trong tương lai hoặc chịu mức chọi cao với nhiều người giỏi.
Nghề nào cũng cần đam mê và nhiệt huyết, bên cạnh kiến thức và kỹ năng. Với nghề phiên dịch, một khi đã nhận thức đúng tính chất công việc cùng những được - mất khó nói sẽ dễ dàng đưa ra quyết định theo đuổi hay từ bỏ nếu không phù hợp. Hy vọng chia sẻ trên đây hữu ích, giúp các bạn trẻ có cách hiểu khái quát về nghề phiên dịch.
(Theo Ms. Thanh Xuân)