6 kinh nghiệm quản lý công nhân quản lý nhà máy, xí nghiệp cần biết
15.07.2019 11268 bientap
Công nhân chính là đội ngũ lao động vô cùng quan trọng của mỗi nhà máy, xí nghiệp – là lực lượng trực tiếp sản xuất tạo ra sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho dù doanh nghiệp chỉ có 100 công nhân hay hàng nghìn lao động thì vấn đề quản lý lực lượng lao động này một cách hiệu quả luôn là bài toán khó với các Quản đốc, Trưởng ca hay Tổ trưởng sản xuất… Tuyencongnhan.vn xin chia sẻ 6 kinh nghiệm quản lý công nhân để các nhà quản lý có thể tham khảo áp dụng cho doanh nghiệp mình.
Nắm chính xác số lượng công nhân hiện hành của mỗi bộ phận
Trong quá trình làm việc, số lượng công nhân của mỗi bộ phận có thể thay đổi do sự điều chuyển công việc hay do người lao động nghỉ việc. Do đó, các nhà quản lý cần phải cập nhật và nắm bắt số lượng công nhân thường xuyên để phân bổ khối lượng công việc phù hợp. Phòng tránh trường hợp phân công khối lượng công việc quá nhiều cho những tổ ít công nhân, còn những tổ nhiều công nhân thì lại ít việc – làm ảnh hưởng lớn đến quá trình hoàn thành sản phẩm.
Đặt mục tiêu cụ thể cho các tổ công nhân
Việc đặt ra mục tiêu cụ thể cho các tổ công nhân sẽ giúp công nhân có được mục tiêu làm việc rõ ràng, luôn làm việc với tâm lý nỗ lực hết mình để hoàn thành hoặc vượt mục tiêu đề ra. Đây cũng chính là thước đo chất lượng công việc của các tổ, đảm bảo hoàn thành các đơn hàng, sản phẩm đúng thời gian dự kiến.
Kiểm soát thời gian và chất lượng công việc của mỗi công nhân
Hiện nay, có rất nhiều nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thực hiện việc kiểm soát thời gian và chất lượng công việc của mỗi công nhân với việc áp dụng các chỉ tiêu định mức theo thời gian hay theo sản lượng. Các công nhân sẽ nỗ lực để hoàn thành định mức công việc hàng ngày hay làm việc vượt định mức để có được thu nhập tốt hơn. Điều này mang lại lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Bạn muốn xem thêm: Mô tả công việc và mức lương Quản lý sản xuất trong nhà máy
Bố trí công nhân hợp lý, linh hoạt
Hiệu quả công việc phụ thuộc phần nhiều vào sự phối hợp giữa các công nhân, đặc biệt là với các nhà máy làm việc theo dây chuyền. Do đó mà việc sắp xếp, bố trí công nhân hợp lý là điều vô cùng quan trọng. Các tổ trưởng sản xuất cần phải nắm được năng lực, khả năng làm việc của toàn bộ công nhân trong tổ để linh hoạt điều chuyển những công nhân ít kinh nghiệm, tay nghề chưa cao cùng làm việc với những công nhân thạo nghề hơn để có cơ hội được học hỏi thêm.
Có chế độ thưởng – phạt rõ ràng
Bất cứ một đơn vị sử dụng lao động nào cũng vậy, để động viên tinh thần làm việc của nhân viên thì cần phải có những chính sách khen thưởng xứng đáng với những công nhân, tổ công nhân: hoàn thành tốt công việc, đề xuất những ý tưởng hay,… Bên cạnh đó, những quy chế xử phạt với công nhân vi phạm cũng phải rõ ràng và cần thực hiện một cách công bằng để duy trì nề nếp hoạt động của nhà máy, xí nghiệp.
“Lạt mềm buộc chặt”
Không ít những tổ trưởng sản xuất hiện nay quản lý công nhân theo “kiểu răn đe”, hễ công nhân đi trễ một vài phút là không tiếc lời quát tháo, áp dụng ngay hình thức trừ lương. Đây không phải là cách quản lý công nhân khôn ngoan. Vẫn biết quy định đặt ra cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, nhưng đôi lúc các quản lý cũng cần phải biết “lạt mềm buộc chặt”. Với những công nhân có lý do chính đáng - đột xuất nên đi trễ 1 vài phút, các tổ trưởng chỉ cần đến nhắc nhở nhẹ nhàng “Hôm nay, anh/ chị/ em ở lại làm việc thêm 5 phút nhé.” Điều này sẽ khiến công nhân vui vẻ làm việc thêm vì không bị trừ lương và cũng đảm bảo công nhân đó vẫn làm đủ thời gian quy định.
Xem thêm: Kinh nghiệm quản lý công nhân may chuyền trưởng cần biết
Ms.Công nhân