ESG là gì? Tips tăng chỉ số ESG cho nhà máy, xí nghiệp
05.03.2024 420 hongthuy95
Sản xuất, kinh doanh gắn với sự phát triển bền vững và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm. Nhiều nhà đầu tư cũng dựa vào yếu tố này để đánh giá và lựa chọn đối tác, là tổ chức, doanh nghiệp có chỉ số ESG cao. Vậy bạn có biết ESG là gì? Chỉ số ESG đánh giá những gì? Làm thế nào để chỉ số ESG cao?... Nếu chưa có nhiều thông tin, cùng Vieclamnhamay.vn tìm hiểu ngay nhé!
Có thể bạn chưa biết, rằng đầu tư ESG vào chiến lược kinh doanh mang lại nhiều ích lợi cho doanh nghiệp lẫn người lao động. Tại sao thế? Hiểu ESG là gì và những tiêu chí đo lường - đánh giá tương ứng sẽ phần nào giúp bạn lý giải.
ESG là gì?
ESG là viết tắt của 3 từ: Environmental (Môi trường) - Social (Xã hội) và Governance (Quản trị doanh nghiệp). Đây là 3 tiêu chí quan trọng được dùng để đánh giá tính hiệu quả và bền vững của một tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh, đồng thời phản ánh sự tương tác của tổ chức, doanh nghiệp đó với cộng đồng và môi trường sống xung quanh.
Trong môi trường nhà máy, khu công nghiệp, áp dụng chỉ số ESG giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, giữ chân lao động giỏi, giảm thiểu tác động tiêu cực đến xã hội và môi trường, cải thiện quản trị tổ chức; từ đó tăng cường uy tín thương hiệu, góp phần vào sự phát triển bền vững của tổ chức lẫn toàn ngành công nghiệp.
Các chỉ số chi tiết của ESG là gì?
ESG đo lường và đánh giá các tiêu chí tương ứng theo 3 yếu tố:
- Environmental (Môi trường): đo lường các hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp có ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên; bao gồm sử dụng và quản lý tài nguyên, giảm lượng khí thải, xử lý chất thải, bảo vệ đa dạng sinh học.
- Social (Xã hội): đo lường các hoạt động liên quan đến cách mà tổ chức, doanh nghiệp đối xử với cộng đồng, nhân viên, khách hàng cùng các bên liên quan khác; bao gồm đảm bảo an toàn lao động, tôn trọng quyền con người, đảm bảo công bằng và đa dạng trong lao động.
- Governance (Quản trị): đo lường và đánh giá cách tổ chức, doanh nghiệp được quản lý và điều hành, quản trị nhân sự; bao gồm xác định và thực thi các nguyên tắc đạo đức trong lao động, quản lý rủi ro, tạo ra giá trị cho cổ đông.
3 yếu tố này tương tác và tác động qua lại lẫn nhau, làm cơ sở cho việc đánh giá tổng thể về tính hiệu quả và độ bền vững trong sản xuất - kinh doanh của một tổ chức, doanh nghiệp.
ESG mang lại ích lợi gì cho doanh nghiệp?
Một tổ chức, doanh nghiệp có định hướng kinh doanh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường luôn được đánh giá cao. Chỉ số ESG được nhiều tổ chức lựa chọn để đánh giá tính hiệu quả và độ bền vững của chiến lược kinh doanh. ESG càng cao thì càng cho thấy doanh nghiệp đang có nhiều đóng góp tích cực cho môi trường và cộng đồng, xã hội. Khi đó, lợi thế cạnh tranh lẫn uy tín thương hiệu sẽ được gia tăng đáng kể. Các nhà đầu tư hay khách hàng cũng có thiện cảm nhiều hơn với những doanh nghiệp này, từ đó khả năng đặt quan hệ hợp tác dĩ nhiên cao hơn.
Ngoài ra, đầu tư để ESG cao còn giúp tổ chức giảm thiểu các rủi ro về pháp lý, tài chính, an ninh và danh tiếng; nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí và tiết kiệm tài nguyên; đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội và môi trường…
Làm thế nào để chỉ số ESG cao?
Để tăng chỉ số ESG cao trong nhà máy, ban quản lý có thể thực hiện một số biện pháp thực tế sau:
+ Environmental (Môi trường)
- Áp dụng công nghệ sạch và tiết kiệm tài nguyên để giảm lượng khí thải, tiêu thụ năng lượng và nước
- Thúc đẩy tái chế và xử lý chất thải một cách hiệu quả
- Đầu tư vào các giải pháp bảo vệ môi trường, như hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện mặt trời…
+ Social (Xã hội)
- Đảm bảo an toàn lao động và điều kiện làm việc tốt cho nhân viên
- Thúc đẩy chính sách đa dạng và công bằng trong tuyển dụng và thăng tiến
- Hỗ trợ cộng đồng xung quanh nhà máy thông qua các hoạt động xã hội, từ thiện, giáo dục…
+ Governance (Quản trị)
- Thực thi các nguyên tắc quản trị tốt, minh bạch và trung thực
- Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro hiệu quả
- Tạo ra cơ chế thưởng phạt công bằng và động viên nhân viên tuân thủ các quy định và nguyên tắc đạo đức…
Bằng cách thực hiện các biện pháp trên, nhà máy có thể nâng cao chỉ số ESG cho tổ chức, góp phần vào việc phát triển bền vững và tạo ra các giá trị tích cực cho cả doanh nghiệp và cộng đồng xung quanh.
Trên đây là định nghĩa ESG là gì - ESG bao gồm những tiêu chí đánh giá nào và cách để gia tăng chỉ số ESG cho nhà máy… hy vọng sẽ hữu ích với những tổ chức, doanh nghiệp định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Ms. Công nhân