Ngỡ ngàng công nhân mất việc mới biết bị nợ đóng BHXH 41 tháng

26.07.2021 1369 hongthuy95

Công nhân làm đủ ngày công, cuối tháng trừ đúng tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH). Những tưởng lúc khốn khó có thể bám lấy cái “phao cứu sinh” Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ấy vậy mà, có trường hợp thiếu minh bạch, Công ty đã thôi không thực hiện đúng và đủ chế độ bảo hiểm cho người lao động suốt 41 tháng qua mà không hề thông báo.

Đó là trường hợp của chị Phan Thị Lan, công nhân lắp ráp sàn Công ty Ô tô 1-5 (Hà Nội). Được biết, chị cùng một số công nhân khác bất ngờ bị công ty cho nghỉ đột ngột không nêu rõ lý do. Đau hơn là, ngỡ có thể nhận tạm tiền BHTN để trang trải, ai dè biết được tin sổ BHXH của mình đã được chốt từ năm 2016. Đến ngày nghỉ việc, lương hàng tháng trích đóng bảo hiểm vẫn trừ đúng nhưng 3 năm 5 tháng nay chị không hề được đóng theo quy định. Vất vả, khó khăn, không có việc làm, chị Lan giờ không biết làm sao…

ngỡ ngàng công nhân mất việc mới biết bị nợ BHXH 41 tháng lương
.

Gắn bó 20 năm nhưng bị cho nghỉ đột ngột, không lý do

Chị Lan làm việc tại Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 từ năm 2002. Công việc của chị là cắt vải, dán sàn ô tô. Từ giai đoạn thử việc với bậc thợ 3/7, đến năm 2020, chị vẫn giữ tay nghề 4/7, lương 4-5 triệu đồng, hàng tháng trích lương đóng BHXH. Đến năm 2019, công ty bắt đầu làm ăn sa sút, người lao động ít việc, bị giảm ngày công chỉ còn vài ngày mỗi tháng. Lương công nhân từ cảnh giảm xuống 2,7-3 triệu đồng/ người đến nợ lương (từ tháng 5/ 2019). Tháng 4/2020, chị Lan cùng một số công nhân khác được công ty cho nghỉ vì không đủ việc để làm, một phần do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều này gây bức xúc cho nhiều người bởi như vậy là đang buộc người lao động nghỉ việc, lý do nêu ra không rõ ràng, không thông báo bằng văn bản trước đó, cũng không tổ chức đối thoại để giải đáp thắc mắc hay giải quyết chế độ.

“Nhận được tin phải nghỉ việc tôi rất lo lắng. Việc này đến quá bất ngờ. Tiền không có, thu nhập không còn, không biết những ngày tới phải sống ra sao. Vì mọi chi phí sinh hoạt của gia đình trước giờ đều trông cả vào lương của tôi. Từ chỗ ăn uống, điện nước, lo chuyện học cho 3 con… Trước đây, khi công ty đủ việc, lương nhận đủ, mọi thứ được trang trải. Giờ thì khổ rồi…” - ngồi trước cửa nhà, chị Lan đăm chiu nghĩ.

Nợ lương, nợ cả BHXH

Theo chị Lan, khoảng thời gian từ 2016-2020, mỗi tháng chị và các công nhân khác vẫn trích lương nộp các khoản bao hiểm đầy đủ theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, công ty đã không thực hiện đúng điều đó, khiến người lao động mất nhiều quyền lợi. Ngày mọi người làm thủ tục chốt sổ BHXH để đăng ký nhận BHTN mới tá hỏa tin mình đã ngưng đóng từ năm 2016.

“Nghỉ việc đột ngột không rõ lý do, lương công ty vẫn còn đang nợ, giờ cả BHXH cũng không tham gia đầy đủ nữa. Chưa kể, trong nhiều năm qua, công ty còn cắt giảm cả các khoản hỗ trợ dịp lễ, Tết. Thật sự, người lao động như chúng tôi vô cùng thiệt thòi” - chị Lan bộc bạch.

Phan Thị Lan quê gốc Hà Tĩnh, lấy chồng về Bắc Giang, 2 vợ chồng có với nhau 3 mặt con đều ở tuổi ăn học. Gia đình 5 miệng ăn với nhiều khoản chi phải lo mỗi tháng, họ ở trọ và tính toán cân đối thu - chi. Năm 2013, chồng chị bị tai nạn, mất 70% sức khỏe, lại hỏng một mắt. Anh trước làm việc ở trung tâm thành phố Hà Nội nhưng nay không có việc làm. Mọi chi phí sinh hoạt đổ dồn lên vai chị Lan.

ngỡ ngàng công nhân mất việc mới biết bị nợ BHXH 41 tháng lương
.

Được biết, chị Lan cùng 23 lao động khác đồng loại ký vào đơn đề nghị Thanh tra lao động Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP.Hà Nội, Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Đông Anh vào cuộc điều tra, làm rõ vi phạm của Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp theo quy định. Sau 2 lần gửi đơn, phía công ty có hẹn ngày 20/7 sẽ trả lời, họ cũng hẹn trả nốt những tháng lương còn nợ, riêng vấn đề nợ BHXH vẫn chưa có phản hồi gì. “Rõ ràng BHXH là vấn đề cực kỳ quan trọng với người lao động. Chúng tôi đóng bảo hiểm đầy đủ nhưng sao công ty lại không đóng hộ cho chúng tôi. Tại sao họ có thể làm như vậy chứ?” - chị Lan bức xúc đặt câu hỏi.

“Cống hiến bao nhiêu năm nhưng thứ chúng tôi nhận lại chẳng là gì? Mọi quyền lợi giờ bị tước bỏ hết. Điều chúng tôi cần lúc này là công ty đưa ra lộ trình rõ ràng về việc trả hết nợ BHXH cho chúng tôi” - mong mỏi của chị Hoa, một công nhân khác của công ty Cổ phần Ô tô 1-5. Đây hẳn cũng là nguyện vọng của nhiều công nhân khác ở thời điểm hiện tại.

Tại cơ quan chức năng, đại diện Công ty Cổ phần Ô tô 1-5 giải thích chuyện nợ đóng BHXH của người lao động do tình hình sản xuất kinh doanh kém, thêm nữa do công ty vẫn còn nợ BHXH từ trước nên khi đóng tiếp, số tiền đóng mới này lại bị trừ vào phần nợ cũ nên phần đóng mới chỉ được tính đến tháng 8/2016. Hiện, tổng số tiền BHXH mà doanh nghiệp này nợ lên đến gần 15 tỷ đồng, 3,4 tỷ đồng nợ lương công nhân.

Không đóng BHXH cho công nhân, quá nhiều thiệt thòi phải nhận

Dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2020 khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng. Trên cả nước, hơn 31,8 triệu lao động chịu tác động bởi dịch: người bị giảm ngày công, giảm thu nhập, nghỉ tạm không lương đến mất việc. Hàng loạt công nhân cũng chịu chung cảnh ngặt nghèo. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số nơi vin vào cớ “do ảnh hưởng bởi Covid” nên giải quyết cho công nhân, lao động nghỉ bớt.

Nghỉ việc với lý do không thuyết phục (thiếu việc trong khi những người khác vẫn làm bình thường), nợ lương khiến nhiều lao động bức xúc. Đáng lên án hơn là, một số người mãi đến khi mất việc, đi làm đơn đề nghị nhận BHTN mới vỡ lẽ ra công ty lâu nay không đóng BHXH cho họ trong khi lương hàng tháng vẫn bị trừ.

Ai cũng biết, thời điểm khó khăn, BHTN trở thành “phao cứu sinh” của nhiều lao động. Qua nhiều năm làm việc và đóng đủ, họ nhận được một khoản tương ứng với số lương họ trích đóng BHXH hàng tháng. Số tiền này ít hay nhiều phụ thuộc vào mức lương được nhận trong 6 tháng gần nhất trước khi nghỉ việc cùng thời gian đóng. Lương đóng càng cao, thời gian đóng càng dài thì tiền nhận được càng lớn, dùng trang trải các khoản sinh hoạt trong thời gian tìm việc mới. Tuy nhiên, khi việc đóng BHXH sai số tiền thực đóng (ít hơn), đóng thiếu hoặc không đóng, rất nhiều quyền lợi của công nhân mất trắng. Rõ nhất và nghiêm trọng nhất lúc này là không nhận đúng và đủ trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc, đặc biệt ở thời điểm khó khăn như dịch Covid-19 - không được BHXH chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất… nếu thuộc trường hợp được bảo vệ.

ngỡ ngàng công nhân mất việc mới biết bị nợ BHXH 41 tháng lương
.

Công nhân làm gì khi công ty nợ đóng BHXH?

Theo quy định, việc công ty đóng BHXH cho người lao động là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng. Trường hợp công ty có hành vi vi phạm, nợ hay “trốn” đóng, dẫn đến người lao động phải chịu nhiều thiệt hại về quyền lợi, công nhân cần:

- Gửi đơn khiếu nại đến công ty để yêu cầu công ty đó đóng bổ sung những tháng còn thiếu. Nhờ sự giúp đỡ của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

- Trường hợp công ty không đóng bổ sung, khiếu nại tiếp lên Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH tại nơi đặt trụ sở để được hỗ trợ điều tra, xử lý. Cũng có thể khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết tranh chấp.

- Chủ động tra cứu quá trình đóng BHXH của mình qua tin nhắn điện thoại hoặc website cơ quan BHXH, đối chiếu thời gian thực đóng, kịp thời phát hiện sai phạm để yêu cầu xử lý

Lại nói đến hoàn cảnh chị Lan và gia đình. Từ ngày mất việc, chị vay mượn được hơn 10 triệu để khởi nghiệp với nghề bán bánh mì trên xe đẩy. Dịch nên ế ẩm, bán cả ngày cũng không đủ trang trải chi tiêu. Hơn 1 năm qua, tháng nào chị cũng phải vay mượn thêm từ họ hàng, chỗ nọ đắp trả chỗ kia. Nhiều khoản lớn đến nay vẫn chưa có khả năng thanh toán…

Ms. Công nhân

Nhiều công nhân "bán" sổ Bảo hiểm xã hội để "sống tiếp"

4.7 (137 đánh giá)
Ngỡ ngàng công nhân mất việc mới biết bị nợ đóng BHXH 41 tháng Ngỡ ngàng công nhân mất việc mới biết bị nợ đóng BHXH 41 tháng

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Doanh nghiệp ép tăng ca dịp cận Tết, công nhân có quyền khởi kiện?

Doanh nghiệp ép tăng ca dịp cận Tết, công nhân có quyền khởi kiện?

Dịp cận Tết, nhiều doanh nghiệp tổ chức tăng ca để kịp tiến độ. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài liên tục khiến công nhân kiệt sức và không có thời g...

07.12.2024 30232

Công nhân và nỗi ám ảnh “đẹp mặt” khi về quê ăn Tết

Công nhân và nỗi ám ảnh “đẹp mặt” khi về quê ăn Tết

Không biết từ bao giờ, câu chuyện “Về quê ăn Tết” lại là nỗi ám ảnh của nhiều công nhân đến thế. Từ cơm áo gạo tiền đến phong tục lễ nghĩa, tất cả dườ...

07.12.2024 3676

Tâm sự đời công nhân: “Mong được tăng ca để có tiền tiêu Tết”

Tâm sự đời công nhân: “Mong được tăng ca để có tiền tiêu Tết”

Thu nhập thấp, nhiều công nhân mong được tăng ca dịp cuối năm để có thêm tiền trang trải chi phí tàu xe, quà cáp khi về quê. Dù mệt mỏi nhưng mọi ngườ...

06.12.2024 2482

Công nhân thời vụ có được hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ Tết? 

Công nhân thời vụ có được hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ Tết? 

“Tôi là công nhân thời vụ tại một doanh nghiệp may mặc và có quá trình làm việc kéo dài đến hết tháng 1/2025. Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm...

03.12.2024 6644