Chia sẻ kinh nghiệm tìm việc trái ngành cho ứng viên
07.04.2021 3462 hongthuy95
Bạn không thể tìm công việc đúng chuyên môn và chấp nhận làm trái ngành? Hay bạn không còn hứng thú với công việc cũ và muốn thử sức ở một môi trường mới? Bạn dự định “nhảy việc” sang công việc trái ngành nhưng lo sợ trình độ và kinh nghiệm hiện tại chưa thuyết phục NTD? Dưới đây là một số kinh nghiệm tìm việc trái ngành hiệu quả được Vieclamnhamay.vn tổng hợp và chia sẻ…

Do đâu mà ứng viên tìm việc trái ngành?
Thực trạng tìm việc trái ngành không còn quá xa lạ trong thời điểm hiện tại. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân chính yếu sau đây:
- Thứ nhất, do sự chênh lệch không đồng đều giữa cung - cầu, hoạt động đào tạo - nhu cầu tuyển dụng khi mà phần đa mọi người đều đổ xô theo học những ngành được cho là Hot nhất, khiến những ngành nghề còn lại dĩ nhiên sẽ rất thưa thớt; điều này dẫn đến sau khi hoàn thành khóa học, vị trí, số lượng cần tuyển thì giới hạn trong khi người tìm việc là “vô hạn” hoặc ngược lại, kéo theo tình trạng nơi thừa người, nơi thừa việc. Do đó, những người không tìm được việc đúng chuyên môn chắc chắn sẽ phải rẽ hướng sang một công việc khác trái ngành nếu không muốn thất nghiệp.
- Thứ hai, do không ít người trẻ thiếu định hướng nghề nghiệp, chọn ngành nghề học theo sở thích, tư vấn của người khác hoặc theo số đông dẫn đến chọn sai ngành, khi vào học thì không hứng thú, không theo kịp tiến độ đào tạo nhưng lại không thể bỏ ngang vì đã đi được hơn nửa chặng đường; kết quả, sau ra trường, họ theo làm ở một lĩnh vực công việc khác mà họ cho là phù hợp và (hoặc) hứng thú hơn.
- Thứ ba, do một số người không còn hứng thú với công việc hiện tại, sau khi đã gắn bó nhiều năm, giờ muốn thử sức với công việc mới; họ quyết định nhảy việc và tìm kiếm cơ hội ở môi trường mới hơn không liên quan đến trình độ và kinh nghiệm họ đang sở hữu
- Thứ tư, cơ số người đánh giá mặt bằng mức lương chung của công việc hiện tại quá thấp so với mức lương của công việc trái nghề dự định ứng tuyển
- Thứ năm, do dịch bệnh khiến hàng chục triệu lao động trên cả nước bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập. Nhiều người chật vật đổi việc để tìm thu nhập "sống tạm".

Để tìm việc trái ngành thành công, ứng viên cần có kỹ năng gì?
Bạn là ứng viên tìm việc trái ngành, tức các bằng cấp, chứng chỉ, trình độ hay kinh nghiệm (nếu có) đều không thực sự nổi bật bằng những ứng viên có chuyên môn; do đó, dĩ nhiên sẽ không được NTD ưu ái bằng. Tuy nhiên, NTD có thể sẽ đánh giá bạn là ứng viên tiềm năng nếu bạn cho thấy mình sở hữu những kỹ năng vô cùng quan trọng sau:
- Khả năng hòa nhập tốt và nhanh với môi trường làm việc mới
- Luôn xác định mục tiêu nghề nghiệp và kế hoạch phát triển công việc rõ ràng, cho khoảng thời gian ngắn và dài hạn
- Kỹ năng thích ứng tốt với mọi biến động của môi trường và công việc
- Biết tự học hỏi, tiếp thu góp ý từ người khác và có khả năng làm việc độc lập cao
- Khả năng làm việc nhóm hiệu quả
- Giao tiếp tốt, sử dụng thành thạo ngoại ngữ (Anh, Nhật, Trung…)
- Thành thạo vi tính văn phòng, nhất là word và excel
- Năng nổ, nhiệt tình trong công việc, sẵn sàng tăng ca, làm ngoài giờ khi cần
- …
Hãy cho NTD thấy bạn có những thế mạnh và kỹ năng mà rất nhiều ứng viên chuyên môn không có được; dĩ nhiên, chúng rất cần cho vị trí ứng tuyển - còn kiến thức và kinh nghiệm sẽ được trau dồi và hoàn thiện hơn mỗi ngày làm việc.
Tham gia phỏng vấn tìm việc trái ngành thế nào cho hiệu quả?
Tương tự như bao cuộc phỏng vấn khác, dù tìm việc trái ngành, bạn cũng phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản sau đây:
- Chuẩn bị bộ hồ sơ xin việc đầy đủ giấy tờ, thông tin chính xác và đủ thuyết phục
- Đầu tư viết CV xin việc trái ngành ấn tượng, chú ý làm nổi bật những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với vị trí ứng tuyển
- Tìm hiểu thật kỹ những kiến thức căn bản nhất về ngành nghề ứng tuyển, thông tin về công ty để cho NTD thấy sự quyết tâm, thái độ nghiêm túc và lòng yêu thích của bạn với công việc này
- Đến sớm hơn ít nhất 10 phút so với giờ hẹn phỏng vấn
- Trang phục đi phỏng vấn lịch sự, phù hợp với công việc ứng tuyển
- Đến phỏng vấn đúng giờ; tuân thủ quy định của công ty hay người hướng dẫn
- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể phù hợp, tránh gây mất điểm với NTD
- Tập trung nhấn mạnh một lần nữa ở thời điểm thực tế những kỹ năng nổi trội phù hợp với vị trí ứng tuyển
- Chủ động thừa nhận những thiếu sót của bản thân vì xin việc trái ngành nhưng cam kết sẽ khắc phục nhanh và trở nên hoàn thiện, xuất sắc hơn trong tương lai gần
- Lịch sự và tự tin trả lời những câu hỏi của NTD; hỏi lại những câu hỏi có liên quan (nếu có) khi không nghe rõ
- Lịch sự xin phép được tìm hiểu thêm và sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất khi gặp phải câu hỏi khó, vượt ngoài tầm hiểu biết và phạm vi tìm hiểu trước của bạn; tuyệt đối không trả lời bừa khi không biết chính xác đáp án
- Luôn duy trì tâm lý thoải mái, điềm tĩnh và tự tin trong suốt buổi phỏng vấn
- Đừng quên gửi thư cảm ơn sau phỏng vấn để gợi nhớ cho NTD biết rằng bạn đang nghiêm túc đợi họ phản hồi về kết quả
- Thường xuyên kiểm tra email để chắc chắn rằng bạn không bỏ qua bất kỳ yêu cầu hay thắc mắc nào của NTD
- ...

Hy vọng những chia sẻ trên đây của Vieclamnhamay.vn sẽ hữu ích với bạn, những ứng viên đang tìm việc trái ngành; từ đó có sự chuẩn bị thật tốt từ khâu làm hồ sơ cho đến tham gia phỏng vấn, gây ấn tượng tốt và thuyết phục NTD về sự phù hợp của bản thân với vị trí ứng tuyển.
Chúc bạn tìm việc trái ngành thành công!
Ms. Công nhân