Những khó khăn trong công tác quản lý công nhân của các doanh nghiệp
09.04.2016 5677 haiyen.tran37
Quản lý lao động là một việc làm khá khó khăn. Đối với những doanh nghiệp có hàng ngàn công nhân thì việc quản lý công nhân cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bộ phận. Nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ khi mà công tác quản lý còn chưa được đồng bộ, nội quy lao động chưa rõ ràng, chưa có nhiều công cụ hỗ trợ thì việc quản lý công nhân cũng gặp những khó khăn riêng. Dưới đây là những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp phải.
Quản lý chất lượng sản phẩm do công nhân tạo ra
Đa phần doanh nghiệp đều khoán sản phẩm rất rõ ràng cho công nhân cũng như định giá cho từng giai đoạn, mức tiền công nhân sẽ được hưởng nếu vượt sản lượng. Nhưng kiểm tra chất lượng do công nhân tạo ra lại không phải là điều dễ dàng. Chỉ một sự sơ sẩy, qua loa cũng có thể gây mất uy tín của doanh nghiệp khi tung sản phẩm ra thị trường. Người quản lý công nhân liệu có thể kiểm soát được tất cả ?
Ngoài việc sản xuất sản phẩm bằng máy móc hiện đại, kiểm đinh chất lượng bằng công nghệ cao thì các doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào bộ phận kiểm định chất lượng để kiểm tra chất lượng sản phẩm. Với hàng ngàn, hàng triệu sản phẩm được sản xuất mỗi ngày, việc kiểm tra và đảm bảo 100 % sản phẩm đều hoàn hảo là điều rất khó khăn. Chủ yếu dựa vào ý thức và trách nhiệm của người lao động trong quá trình làm ra sản phẩm.
Công nhân có ý thức kỷ luật kém
Lao động Việt Nam nói chung được đánh giá là có ý thức kỷ luật chưa cao. Đối với lao động phổ thông thì việc bắt buộc họ tuân theo kỷ luật càng khó khăn hơn. Dù nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những quy định cụ thể nhưng việc quản lý sát sao được từng công nhân trong hàng ngàn công nhân là điều không thể. Ngoài thời gian làm việc và tan ca có máy chấm công, thẻ quẹt hỗ trợ thì việc quản lý trực tiếp vẫn là cách quản lý cơ bản nhất.
Trong quá trình làm việc nhiều công nhân phát sinh mẫu thuẫn. Thậm chí dùng cả vũ lực nhưng người quản lý công nhân trực tiếp cũng không thể can thiệp là điều đã xẩy ra ở nhiều doanh nghiệp. Nhiều quản lý chọn cách làm lơ không báo cáo lên cấp trên. Nhưng đối với doanh nghiệp, những hành vi này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường làm việc, hiệu quả sản xuất.
Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh trong môi trường làm việc cần ý thức và trách nhiệm từ mỗi người lao động. Nhưng nhiều công nhân vẫn vô tư xả rác bất chấp những biển cấm. Doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí cho các vấn đề về vệ sinh mà vẫn chưa có cách giải quyết hiệu quả khi mà ý thức của mỗi người công nhân còn kém
Ý thức bảo vệ tài sản của công nhân quá kém !
Nhiều công nhân trong quá trình làm việc không có ý thức bảo vệ tài sản của doanh nghiệp. Họ sẵn sàng lãng phí nguyên, vật liệu vì cho rằng đó không phải là của mình, không ảnh hưởng đến thu nhập của bản thân. Vì vậy việc bảo vệ tài sản cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.
Khi máy móc có vấn đề, công nhân không báo cáo với quản lý để cho kỹ sư bảo dưỡng sửa chữa kịp thời mà vẫn cố vận hành cho đến khi máy không thể chạy được nữa. Hay cố tình vận hành máy sai trình tự, sai cách khiến tuổi thọ của máy móc giảm xuống đáng kể cũng là điều thường xuyên xẩy ra ở các nhà máy, xí nghiệp.
Dù nhiều doanh nghiệp có quy định rõ ràng về việc bảo vệ tài sản nhưng khi máy móc lại không hỏng hóc ngay khi công nhân sử dụng sai cách mà cần thời gian dài sau đó nên rất khó quy trách nhiệm. Việc quản lý công nhân để họ có ý thức bảo vệ tài sản trở thành một vấn đề nan giải đối với bất cứ doanh nghiệp nào.
Không có ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động.
Đảm bảo an toàn lao động là một trong những điều mà doanh nghiệp phải tuân theo những quy định rõ ràng mà các cơ quan chức năng, bộ lao động đã đưa ra. Đây cũng là điều kiện để đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho công nhân. Nhưng bản thân họ lại không hiểu được tầm quan trọng của vấn đề này.
Dù đã được các doanh nghiệp trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động nhưng công nhân chỉ sử dụng khi bị ép buộc như lúc có mặt người quản lý hay đoàn thanh tra đến kiểm tra. Nhiều doanh nghiệp đã mất đi những hợp đồng lớn do công nhân không chấp hành các quy định về an toàn lao động.
Doanh nghiệp cố gắng tổ chức các buổi tuyên truyền về mức độ độc hại của môi trường làm việc, tầm quan trọng của việc sử dụng các thiết bị bảo hộ nhưng sử dụng hay không cần ý thức tự giác của công nhân. Quản lý công nhân chỉ có thể dựa theo quy định xử phạt nhưng không thể theo dõi họ suốt quá trình làm việc.
Khó khăn khi chưa có các công cụ hỗ trợ quản lý công nhân đắc lực
Nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ để quản lý công nhân hiệu quả hơn như thiết bị chấm công, phần mềm quản lý, hệ thống thông tin… Nhưng không pải doanh nghiệp nào cũng có thể tìm được một phần mềm phù hợp với mô hình sản xuất và cách quản lý, sử dụng nhân lực của doanh nghiệp mình cũng như xây dựng một hệ thống thông tin đủ quy mô và hữu dụng để quản lý toàn bộ tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân lực…
Doanh nghiệp lớn thì cần đầu tư rất nhiều thời gian cà công sức để xây dựng được hệ thống này do quy mô quá lớn, quá nhiều thông tin và hạng mục cần quản lý. Doanh nghiệp nhỏ lại không đủ tiềm lực để đầu tư cho những công cụ này.
Mỗi doanh nghiệp lại có cách quản lý công nhân của riêng mình. Những quy chế và hoạt động quản lý công nhân cũng cần sự đúc rút kinh nghiệm qua nhiều năm và học hỏi từ những đơn vị khác. Chúc các doanh nghiệp sẽ có phương pháp và mô hình quản lý công nhân hiệu quả nhất trong thời gian tới !