Thưởng Tết ít ỏi, người lao động không dám về quê ăn Tết
17.01.2023 570 thanhphuongthaobctt
Là một trong 8 khoản tiền công nhân có thể được nhận dịp Tết, nhưng một số doanh nghiệp chỉ thưởng khoảng 50.000 - 100.000 đồng khiến người lao động cảm thấy khá thất vọng. Câu chuyện cụ thể ra sao, mời bạn đọc cùng theo dõi qua bài viết dưới đây của Vieclamnhamay.vn nhé.
Thưởng tết ít ỏi
Mặc dù đã làm việc ở 2 doanh nghiệp nhưng đây là lần đầu tiên anh N. V. H. (25 tuổi, công nhân may) nhận được mức thưởng Tết 100.000 đồng. Đó là mức thưởng cho người lao động dưới 10 tháng làm việc, tại nhà máy T. P. ở khu chế xuất Tân Thuận, quận 7.
Sau khi nghe tin, Anh không biết nên giải thích thế nào với vợ và có lẽ kế hoạch về quê ăn tết đành hoãn lại. Những tưởng thu nhập không cao nên thưởng tết đơn vị sẽ bù lại, động viên người lao động tiếp tục gắn bó, nào ngờ… còn ít hơn dự kiến. 100.000 không đủ tiền mua vé xe về quê ăn tết nữa.
Nhận định về mức thưởng Tết, lãnh đạo của Viện nghiên cứu đời sống xã hội cho rằng tiền thưởng nên đảm bảo sự hợp lý và thể diện cho người nhận. Có nhiều công ty làm ăn khó khăn, không có thưởng Tết nhưng người lao động vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng vẫn có doanh nghiệp chỉ cần giảm thu nhập cũng khiến công nhân ngừng việc.
Việc nhà máy trên thưởng tết 100.000 đồng cho tất cả người lao động không hợp lý vì người làm hơn 10 tháng cũng bằng với người mới vào. Hơn nữa, 100.000 nghìn đồng người lao động không đủ mua sắm tết mà còn khiến họ cảm thấy tổn thương, cho rằng công ty quá chi li với mình”.
Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động cho rằng, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường không có văn hóa thưởng Tết vì pháp luật của nước ta không có quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích. Vì thế, nhiều chủ công ty cho rằng thưởng bao nhiêu là quyền của họ, thưởng nhiều hay ít đều được cả. Tuy nhiên, với người lao động, sau một năm vất vả làm việc, điều họ mong mỏi nhất là thưởng tết để dành dụm, chi tiêu mua sắm tết và biếu quà cho gia đình, người thân, họ hàng,...
Theo ý kiến của lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động, mặc dù pháp luật không quy định thưởng Tết nhưng ở nhiều doanh nghiệp đây là điều khoản bắt buộc rõ ràng trong hợp đồng lao động. Bởi thu nhập của công nhân tại các doanh nghiệp không cao nên thưởng tết là khoản tiền duy nhất họ dành dụm để chi tiêu Tết.
Vào những ngày đầu năm, một số công ty còn dự toán cả khoản tiền thưởng Tết vào quỹ lương. Vì vậy, khoản tiền này được quy định trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động bắt buộc. Nếu thay đổi quy chế, chỉ thưởng vài trăm nghìn đồng sẽ khiến người lao động bức xúc, thất vọng, khó giữ chân công nhân ở lại tiếp tục làm việc ra Tết.
Theo số liệu thống kê ở các tỉnh thành, mức thưởng thấp nhất dành cho người lao động là khoảng 50.000 ở Thanh Hóa, Bắc Giang. Ngoài ra, hơn 23 tỉnh thành cũng đang có mức thưởng từ 100.000 đến dưới 1 triệu đồng.
Chia sẻ cho doanh nghiệp
Anh Trần Duy Anh cho biết: “Tôi cũng là chủ doanh nghiệp nhưng cũng rất khó khăn trong những năm qua. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng dư chỉ hơn 10 triệu đồng (không tính lương của tôi). Người lao động cũng phải hiểu chúng tôi cũng đang cố gắng và rất khổ sở hơn nhiều chứ không phải ăn không, ngồi trước họ. Là chủ doanh nghiệp, đâu có ai muốn thưởng nhân viên như thế nhưng tình hình khó khăn quá, biết làm sao?”.
Bạn Linh cũng tâm sự: “Thà có công ăn việc làm, được trả lương hàng tháng còn hơn dỗi một đồng thưởng rồi bao tháng không có công ăn việc làm. Lúc này thị trường thương mại cũng đang khó khăn nên các ông chủ doanh nghiệp nhiều người cũng phải đóng cửa, bao lao động phải lao đao vì mất việc cuối năm.
Bạn nhận được một tháng lương vẫn hơn bao tháng không có việc làm, lúc đó hãy đánh đổi sự dỗi hờn thưởng tết nhé. Mỗi người vận hành như một doanh nghiệp nhỏ, mỗi khi nhận được đồng lương nào cũng nên tích lũy, có kế hoạch tài chính lâu dài, chứ không thể nhận được đồng nào thì tiêu đồng ấy. Cố gắng bán thời gian để đổi lấy tiền bạc nhưng lại không nhìn thấy rộng ra về tỷ suất và sự đầu tư”.
Bạn Kim Liên viết: “Chuyện doanh nghiệp thưởng bao nhiêu tùy lòng hảo tâm nên đừng có đòi hỏi. Con người phải có lòng tự trọng, đi làm là để hưởng lương chứ không phải chờ đợi đến cuối năm thưởng tiền. Quan hệ lao động, giá trị lao động, tiền công, tiền lương theo đúng quy định của pháp luật. Nếu bạn thấy doanh nghiệp trả công không hợp lý thì tiếp tục làm, không hợp lý thì chuyển sang doanh nghiệp khác làm”.
“Doanh nghiệp cũng có giai đoạn khó khăn, ế ẩm, đơn hàng cắt giảm, thậm chí phải cắt giảm nhân sự, vay vốn ngân hàng để trả lương cho nhân viên. Vì thế nên người lao động nên cảm thông cho chủ doanh nghiệp”, Tuyến Nguyễn chia sẻ.
Thật vậy, có ai muốn làm việc cho công ty không thưởng Tết đâu, nhưng nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, không có khoản thưởng này, người lao động nên hoan hỷ chấp nhận và thông cảm cho đơn vị.
Ms. Công nhân (Tổng hợp từ Vn.Express)